Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Những câu nói khó tin của đàn ông

http://dantri.com.vn/c130/s130-515833/nhung-cau-noi-kho-tin-cua-dan-ong.htm


Nếu chàng nói những lời sau, bạn đừng vội tin. Trước hết là nên cẩn trọng!


1. “Anh không quan tâm em đã làm gì trong quá khứ!”

Chàng không phải là mối tình đầu của bạn. Có thể vì một lý do nào đó bạn cũng không còn giữ được “điều quý giá” nhất của mình khi đến với chàng.

Nếu chàng biết những chuyện này mà không hề có bất cứ thái độ gì, trái lại, vô cùng bình thản, rồi nói với bạn rằng “anh không quan tâm em đã làm gì trong quá khứ”, bạn đừng vội yên lòng. Cần có thời gian kiểm chứng xem anh ấy có phải chỉ đang coi bạn như tình nhân hoặc chẳng hề có ý định gì nghiêm túc…

2. “Em thích gì anh cũng chiều”

Để an ủi hay vỗ về sự lo lắng của bạn, chàng hay nói rằng “Em thích gì anh cũng chiều”. Tuy nhiên, bạn cứ thử đưa ra một đề nghị mà xem, anh ấy sẽ nói rằng “Em muốn gì cũng được, ngoại trừ chuyện này”.

3. “Anh không nghĩ dáng vẻ bề ngoài là điều quan trọng”

Bản tính của đàn ông là yêu và chuộng cái đẹp. Đó cũng chính là lý do mà người ta thường ví phụ nữ như những bông hoa và đàn ông thì giống như những đàn ong bướm yêu mật ngọt. Hoa càng có nhiều mật thì lại càng có nhiều ong bướm vây quanh. Bởi vậy, nếu chàng nói với bạn rằng “anh không nghĩ dáng vẻ bề ngoài có gì quan trọng” thì đó chắc chắn không phải là câu nói thật lòng.

4. “Anh xin thề…”

Khi bạn và anh ấy tranh luận về một vấn đề nào đó, chàng rơi vào thế bí và giải pháp an toàn được đưa ra, chàng chỉ tay lên trời và nói với tất cả vẻ thành tâm của mình “anh thề.”. Nhưng đó chỉ là kế hoãn binh của chàng mà thôi bởi chính bạn cũng biết rằng câu nói đó hoàn toàn không hề đáng tin. 

Chàng nghiện thuốc, nghiện rượu, nghiện game hoặc một vài thú tiêu khiển khác. Hết lần này tới lần khác chàng hứa với bạn rằng “anh xin thề, anh sẽ cai”. Tuy nhiên, bạn nhận thấy rằng chàng làm được bao nhiêu trong số những lời thề đó?

Vì vậy, khi nghe một lời thề nào đó của chàng, hãy suy nghĩ về  tính đúng đắn và mức độ quyết tâm mà chàng có thể làm được trước khi vui mừng vì chàng đã biết hối cải.

5. “Anh chẳng có ai khác ngoài em!”

Câu nói này khiến cho bất cứ người phụ nữ nào nghe thấy cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Tuy nhiên, bạn nên tỉnh táo một chút và nhớ rằng “đàn ông ham của lạ”.  Nếu bạn không mang lại cho anh ta cảm giác mới thì một ngày nào đó bạn cũng sẽ nhận ra rằng mình chẳng phải là duy nhất đối với anh ta.

6. “Anh xin lỗi, anh sai rồi”

Chàng mắc lỗi và bị bạn phát hiện, chàng tỏ ra thành khẩn hơn bao giờ hết mà nói rằng “anh xin lỗi, anh sai rồi”. Nghe thấy điều này, bạn mủi lòng và bỏ qua hết mọi lỗi lầm, không biết rằng chàng thừa nhận để không phải lắng nghe những lời chỉ trích đay nghiến của bạn mà thôi.

7. “Anh yêu em tới muốn kiếp sau”

Hầu hết phụ nữ đều biết rằng đây là câu nói không đáng tin nhất trong tất cả những câu nói của chàng. Tuy nhiên chẳng ai có thể cưỡng lại khi nghe những lời đường mật như thế.

8. “Anh sẽ cưới em”

Hôn nhân không phải là điều có thể tin bằng lời nói. Khi nào thấy chàng hành động và chứng tỏ rằng chàng hoàn toàn muốn cưới, lúc đó bạn hãy vui mừng.

9. “Anh sẽ thay đổi”

Chàng thật sự rất bừa bãi và cẩu thả. Bạn cảm thấy vô cùng khó chịu khi cứ phải đi theo chàng để dọn dẹp. Bạn đã góp ý, thậm chí còn giận dỗi, tuy nhiên lần nào chàng cũng nói “anh sẽ thay đổi”. Đừng tin lời chàng, hãy áp dụng hình phạt cho những lần chàng phạm lỗi. Điều này có lẽ sẽ có ích hơn nhiều so với việc chỉ lắng nghe chàng hứa hẹn.

.

Cái tật coi thường chồng

http://dantri.com.vn/c130/s130-498825/cai-tat-coi-thuong-chong.htm



Xinh đẹp, giỏi giang lại khéo léo, Huyền được coi là mẫu phụ nữ “vớ đâu chả được chồng”. Cả cơ quan chẳng ai lạ gì chuyện thỉnh thoảng Huyền lại nhận được hoa hay quà từ một fan nào đó gửi đến. Ấy vậy mà cuối cùng, Huyền lại chấp nhận yêu và lấy một anh chàng tỉnh lẻ, ngoại hình rất bình thường nếu không muốn nói là chẳng có gì xuất sắc. Ai nấy cũng tò mò gặng hỏi “Sao em lại yêu Long”, Huyền chỉ tỉnh bơ đáp lại “Vì dễ bảo chị ạ”…

Nếu theo như những câu chuyện mà Huyền kể với các đồng nghiệp ở cơ quan hồi hai  người yêu nhau thì đúng là Long dễ bảo thật. Có lần Huyền bảo “Long người yêu em hiền lắm, lúc nào qua nhà em ăn cơm á, không có chuyện em đứng lên đi chợ nấu cơm đâu nhá, muốn ăn phải tự lăn vào bếp, ăn xong thì dọn dẹp và rửa bát, em rèn cho đâu vào đấy ngay từ đầu không sau này lấy về thì chết”.

Các chị trên cơ quan hỏi “Thế lúc đó em làm gì?”, Huyền cười vẻ mặt đắc thắng “Em ngồi trên ghế xem phim chờ anh ý rửa bát xong thì hai đứa đi chơi”.

Mỗi người ai cũng mang trong mình một nỗi sợ. Nỗi sợ ấy đôi khi chỉ là vấn đề ám ảnh tâm lý, sợ một vấn đề “lãng xẹt”, như Long là sợ… sâu! Có lần rửa rau, phát hiện con sâu to tướng nằm gọn trong đám rau, Long gọi Huyền vào nhặt vứt đi. Huyền bĩu môi bảo “Ối giời, tưởng thế nào, anh lấy váy mặc vào nhé”. Câu nói đó của Huyền chỉ là trêu cho vui và dù chẳng có ý gì nhưng mấy chị trên cơ quan nghe xong, có người bảo “Em không nên thế, đàn ông con trai ai cũng có sĩ diện riêng, nói thế khác nào hất cả xô nước lạnh vào người nó”. Huyền đốp lại “Ôi, có chồng chị thế chứ người yêu em chả bao giờ tự ái”. Nghe Huyền nói vậy, không ai nói thêm câu gì nhưng từ đó, mọi người không thích ngồi nghe Huyền kể lể vì những câu chuyện cũng chỉ xoay quanh chủ đề “Huyền giỏi điều khiến người yêu”.

Bố Long đã gần 60 nhưng nghe nói là vẫn có bồ nhí. Huyền biết chuyện, thỉnh thoảng vẫn hỏi dò về vấn đề đó. Ngày Huyền về ra mắt bố mẹ Long, anh đưa Huyền vào căn phòng mà trước kia bố mình vẫn nằm bảo:

“Sau này mà cưới thì phòng này sẽ là phòng của hai đứa mình”.

Huyền quắc mắt - “Em không ở phòng này đâu, anh đi mà ở”.

“Tại sao”

“Bố anh có bồ, ở phòng này, em sợ dớp”

“Em không biết tính anh à mà còn nói thế?”

“Ai mà biết được”

“Lần sau em đừng nói như vậy, anh không đồng ý đâu”

Nói rồi Long bỏ đi ra ngoài, để mặc Huyền đứng đó ngẩn ngơ “Hôm nay dám cãi ý mình đấy”.

Bẵng đi một thời gian kể từ sau đám cưới của Huyền và anh chàng “dễ bảo”, mọi người bỗng thấy Huyền ít kể hẳn về việc cô giỏi sai và điều khiển chồng. Sáng sớm nay lên cơ quan đã thấy mặt Huyền ủ rũ, hai mắt sưng húp như khóc cả đêm. Mấy chị đồng nghiệp xúm vào hỏi han. Được lời như cởi tấm lòng, Huyền rơm rớm nước mắt kể “tội” bị chồng “xúc phạm”.

Nghe tới đó, ai cũng mắt chữ A miệng chữ O ngạc hiên bởi đây là chủ đề mới vì từ xưa tới nay, chưa bao giờ thấy Huyền kể là cô phải phiền lòng về chồng mình cả. Nghe Huyền tâm sự, mọi người mới vỡ lẽ. Thì ra từ ngày lấy nhau về, Long thay đổi hẳn. Anh không còn “dễ bảo” như trước nữa. Trước kia nếu Huyền có thể thảnh thơi ngồi trên ghế mà xem tivi trong khi Long lúi húi dọn dẹp dưới bếp thì giờ đây ăn cơm xong, Long để mặc đó, lên ghế ngồi và nghiễm nhiên việc dọn dẹp là của Huyền.

Hôm qua, hai vợ chồng to tiếng, Huyền lớn tiếng “Bố mẹ anh là nông dân, anh cũng là nông dân, dở hơi, đồ đàn bà”…Bốp…Huyền chưa kịp lu loa hết câu, Long đã thẳng tay tát cô một cái kèm theo ánh mắt sắc lạnh: “Anh cấm em không được xúc phạm đến gia đình anh, nếu em còn tái diễn kiểu ăn nói đó thì chúng ta ly dị…”.

Huyền sững người vì chưa bao giờ cô thấy Long có thái độ đó cả. Cả đêm nằm suy nghĩ, có lẽ cái tát của Long đã khiến Huyền ý thức được những lời nói và hành động của mình là quá đáng.

Nghe chuyện của Huyền, người thì an ủi, người khác nhếch mép cười bảo rằng “Từ giờ rút kinh nghiệm em nhé, chồng hiền những vẫn có sĩ diện, muốn hạnh phúc dài lâu thì em đừng như vậy nữa…”.

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

ĐỨA CON DÂU

http://community.vietfun.com/showthread.php?t=757457


1.
Bà Năm rất hãnh diện vì Tâm, đứa con trai học hành chăm chỉ. Tâm tốt nghiệp bằng bác sĩ y khoa, thực tâp tại bệnh viện sắp xong, và chuẩn bị đi làm việc.

Tâm thường ôm đàn, búng tưng tưng và hát nghêu ngao.Tâm thường lập đi lập lại những câu hát ca ngợi "người em gái" nào đó. Lời rất dịu dàng, êm ái. Bà Năm nghe Tâm hát mãi, nói rằng:
- Em gái của anh, thì anh la mắng, nạt nộ, sai làm chuyện nầy, bảo làm chuyện kia, còn bắt phạt, bắt quỳ. Còn em gái người ta, thì bốc lên thấu tận trời xanh.
Tâm trả lời yếu đuối:
- Bài hát mà má. Thì rồi em Hương nhà mình, cũng sẽ được mấy anh con trai dại dột khác, bốc lên thấu trời xanh thôi.
- Sao anh không bốc em của anh lên một chút, cho nó vui, sung sướng. Có hơn là đi bốc thiên hạ không?
Bà Năm thường làm hết mọi việc trong nhà ngoài ngõ. Anh con trai chưa bao giờ mó tay vào làm bất cứ chuyện nhỏ nhặt nào trong gia đình nầy, từ rửa chén bát, hút bụi nhà, sửa cái bóng đèn đứt dây, cắt cỏ, quét lá trong vườn. Anh như một người khách thuê khách sạn, trong ngoài, mọi sự đã có người khác lo.

Một buổi sáng chủ nhật, bà thấy Tâm đem máy ra, cắt cỏ sân trước nhà. Bà ngạc nhiên, há hốc miệng đứng nhìn đứa con trai đang hì hục, vụng về đẩy chiếc xe cắt cỏ. Xưa nay, anh chưa hề đụng đến việc nhà. Anh đã quen thói. Có nhờ được anh cũng khó khăn, và chưa chắc đã làm. Anh cứ lần khân mãi, rồi quên việc người khác nhờ.. Hôm nay bà thấy Tâm cắt cỏ cẩn thận, cắt đi cắt lại, nghiêng đầu nhìn ngắm mãi, cho đến khi vừa lòng mới thôi. Bà Năm đứng chống nạnh, âu yếm nhìn con:
- Sao hôm nay con giỏi thế? Cắt cỏ giúp cho bố mẹ. Lại cắt cẩn thận, cắt đẹp nữa!
Tâm nhìn mẹ cười, và nói tỉnh bơ:
- Tuần trước, Lam ghé đây chơi, thấy cỏ cao, bảo con sao không cắt cho đẹp vườn.
- Lam là ai?
- Là bạn gái của con.
Bà Năm hừ một tiếng nhỏ tức tối. Con của Bà sinh ra, nuôi nấng, thương yêu, bà nhờ không được, bà nói không nghe, thế mà cái con Lam nào đó, mới mở miệng một tiếng, thì nó lại răm rắp làm. Trong lòng bà, bỗng thấy không ưa cái con Lam kia. Bà cảm thấy hơi buồn

2.
 Sáng chủ nhật, bà pha cà phê cho chồng, và pha luôn cho Tâm một ly. Bà biết hai bố con đều ghiền, buổi sáng không có ly cà phê thì xem như mở mắt không ra. Thấy anh con trai không buồn động đến ly cà phê thơm, bà hỏi:
- Sao con không uống liền đi, để nguội mất ngon, hương cà phê bay đi hết.
- Thôi, con không uống cà phê nữa má à. Con đang tập bỏ cà phê.
- Sao vậy?
- Lam bảo con bỏ cà phê! Uống cà phê không tốt.
Nghe con nói mà bà điên tiết, muốn lộn máu lên. Lam là đứa nào, có quyền lực gì, mà làm cho thằng con trai cưng, thương yêu của bà răm rắp tuân lời? Bà thương con, muốn cho con vui, bà ra lệnh:
- Uống đi. Mẹ đã pha ra rồi. Ðừng uống quá nhiều thì thôi, chứ vừa phải, cà phê cũng tốt cho sức khỏe.
- Anh con trai cưng của bà, đánh trống lảng, rồi bỏ lên lầu, không đụng đến ly cà phê bà đã pha. Bà Năm bực bội, quậy ly cà phê và uống từng ngụm nhỏ. Bà nói với chồng:
- Thằng Tâm nhà mình thế mà dại gái. Cha mẹ nói cho rát họng, thì không nghe, cái con nhỏ vất vơ nào đó, nói ra cái gì, thì nó răm rắp nghe theo như kinh điển. Thiệt là bực. Con mình sinh ra, dạy dỗ, nuôi nấng, mà nó không xem mình bằng ...
Ông chồng bà cắt ngang:
- Thôi bà ơi. Nó cũng đã lớn rồi, khi mới yêu, thì ai cũng vậy, mai mốt sẽ khác. Bà có nhớ không, hồi xưa khi tôi mới yêu bà, tôi cũng nghe theo bà răm rắp ...
- Bây giờ thì ông không thèm nghe theo tôi bất cứ chuyện gì nữa. Lại còn nạt nộ, gầm gừ.
- Có chứ, khi nào bà nói đúng thì tôi nghe theo, chứ bà sai, bắt tôi theo sao được? Ngay cả bà nội tôi, nếu nói sai, thì tôi cũng phải thưa lại cho đúng, chứ huống chi là vợ?
- Ừ, bây giờ anh có tôi rồi, thì xem thường nhé!
- Vẫn quý vợ như thường. Nhưng đúng sai, phải làm cho ra lẽ.
Mỗi lần bà thấy Tâm không hớt tóc theo kiểu cũ, lối tóc xửng ra như rễ tre, mà hớt lối mới trông gọn gàng, lịch sự hơn. Bà khen Tâm. Tâm nói rằng Lam không thích kiểu tóc cũ. Nghe mà bà giận, bực mình. Nhưng bà công nhận kiểu tóc mới, con bà trông đàng hoàng hơn.

Mấy tuần sau, khi Hương đi chơi về, báo cho bà Năm biết:
- Mẹ ơi, Con gặp anh Tâm đang bưng thức ăn cho khách tại tiệm Hương Bình. Anh còn cắt rau, nhặt tôm, phụ bếp nữa.
- Mẹ không hiểu con nói gì.
- Tiệm của bố mẹ chị Lam ấy mà! Anh ấy đến đó làm việc, lấy điểm với ông bà già chị Lam.
Bà Năm mặt mày nhăn nhó, thở dài, thất vọng nói:
- Tiền bạc nó đâu có thiếu. Ở nhà thì chưa bao giờ rửa cái bát. Chưa bao giờ nấu nồi nước sôi giúp mẹ. Chắc cũng làm không công. Thế mà, thế mà ...
Ngay tức thì, bà kêu Hương lái xe cho bà đi xem mặt mũi cái con Lam kia ra thế nào, mà sai khiến được ông con cưng của bà như vậy.

3.
 Bà Năm hầm hầm đi theo con gái, miệng mím lại. Hương dặn bà đừng vào tiệm, đi ngang qua bên ngoài dòm vô thôi. Hai mẹ con đi qua tiệm nhiều lần. Khi được nhìn thấy mặt đứa con gái tên Lam, bà càng giận hơn. Trở về nhà, bà bứt rứt, đi lui đi tới, chờ anh con trai cưng về; bà sẽ cho một trận tơi bời cho đã giận. Khi Tâm về nhà, chưa kịp thay áo, đã bị bà Năm gào to:
- Khôn nhà dại chợ, việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng. Việc nhà không đụng móng tay vào, ra ngoài thì làm mọi không công cho thiên hạ. Học hành cho giỏi, đỗ đạt bằng cấp nầy nọ, mà vẫn cứ ngu dại như thường.
- Thưa mẹ, mẹ nói gì?
- Thằng ngu! Cái con Lam đó, xấu xí, da ngăm, trán ngắn, mắt hí, mũi xẹp, miệng móm, ngực lép, mông teo. Ðã ăn phải bùa mê thuốc lú của nó chưa, mà đi làm mọi cho gia đình nó? Nếu nó đẹp đẽ, nghiêng nước nghiêng thành, mà mê nó, thì không nói làm chi. Xấu xí như vậy, mà cũng mê muội, mới tức chứ. Cha mẹ nói thì không nghe, lại nghe lời đứa con gái vất vơ đó. Tưởng cành vàng, lá ngọc, con vua, cháu chúa chi cho cam, con nhà tiệm ăn ...
- Mẹ đừng kỳ thị. Mẹ từng nói với con, nghề nào cũng quý. Sao bây giờ mẹ chê nghề tiệm ăn? Mẹ thấy Lam xấu, mà con thấy đẹp thì sao? Tùy theo khiếu thẩm mỹ của mỗi người.
Bà Năm cười chán nản, và chế nhạo. Lặp lại một lần nữa, cái nhận xét của bà về cô Lam:
- Ừ, cái khiếu thẩm mỹ của anh lạ lắm, đen điu, trán ngắn, mắt hí, mũi xẹp, miệng móm, người lép kẹp, là đẹp, đẹp lắm. Ha ha ha ...
- Nhưng tổng hợp tất cả lại, thì nhìn rất có duyên mẹ à. Con gái, có duyên thì thu hút và hấp dẫn hơn đẹp. Con không cần vợ đẹp. Mấy cô đẹp, thì kênh kiệu, vác cái mặt lên, đòi hỏi đủ điều, và tham vọng không bao giờ ngừng. Họ khó khăn, họ tưởng đâu có cái đẹp là có quyền hành như bà hoàng. Lấy mấy cô nầy làm vợ, mệt lắm, và chưa chắc đã được lâu bền.
Bà Năm há miệng ra vì ngạc nhiên, nhìn ông con trai của bà chòng chọc. Bà nói:
- Khiếp, ăn nói như cụ già tám mươi. Ai dạy cho anh những điều đó? Thôi, anh đã khôn đến vậy, thì mẹ chịu thua.
- Thì ba mẹ vẫn thường nói vậy, và kinh nghiệm riêng của con cũng thấy thế.
Thương và cưng con, bà không muốn con bà thương ai hơn, nghe lời ai hơn là nghe lời bà. Cái ác cảm với cô Lam không làm sao vơi được trong lòng bà.

4.
 Những khi Tâm mời Lam về nhà chơi, bà Năm cố tình làm mặt lạnh nhạt, và để lộ ra rằng, bà không ưa cô. Bà còn nói bóng gió xa gần rằng, đàn bà không có ngực, sau nầy khó nuôi con. Ðàn bà vòng mông nhỏ, sinh con khó, hiếm muộn. Lam vẫn vui vẻ, bình thường, làm như không biết bà Năm đang ám chỉ cô. Thấy thái độ của mẹ, Tâm không dám đem Lam về thăm nhà thường xuyên. Ông Năm khuyên vợ rằng: - Bà càng tỏ ra chống đối, thì chúng nó càng khắng khít. Tình yêu là một thứ kỳ cục, càng có nhiều trắc trở, thì càng nhiều nồng nàn, cháy bỏng. Tình yêu xuôi chèo thuận mái quá, thì cũng không bền. Bà cứ để cho chúng nó tự do tìm hiểu nhau, đừng gây trắc trở, khó khăn, mà sau nầy có hậu quả không tốt, con dâu nó xa lánh gia đình chồng, và mình cũng mất con luôn.
Bà Năm cũng hiểu thế. Nhưng cái ghét bỏ cô Lam vẫn tiềm tàng trong lòng bà. Có lẽ tại vì Tâm nghe lời cô nầy răm rắp, mà không nghe lời bà, là người mẹ đã dành hết yêu thương cho con. Nó coi người khác quan trọng hơn bà. Ông Năm nói rằng, việc chi mà ganh tị tình thương? Khi còn trẻ, thì ganh với bà mẹ chồng, bây giờ thành bà mẹ chồng, thì lại ganh với con dâu.

Cứ cái vòng luẩn quẩn quay đi quay lại mãi, không được gì, mà chỉ gây thêm sứt mẻ, lộn xộn. Dân Á đông, thì mẹ chồng nàng dâu lục đục.Dân Âu Mỹ, thì mẹ vợ và con rễ không ưa nhau. Có cả ngàn câu chuyện chế giễu bà mẹ vợ do các ông viết ra. Như chuyện diễu về ông Adam, thủy tổ loài người, bảo rằng ông nầy là người đàn ông sung sướng nhất, vì ông không có một bà mẹ vợ.

Dù cho bà Năm có bóng gió, nói xấu cô Lam đến mấy, anh con trai cưng của bà vẫn không suy suyển cái tình si dành cho cô nầy. Bà mẹ có dàn cảnh, giới thiệu cho anh bao nhiêu cô gái khác, đẹp hơn, anh cũng không màng liếc mắt đến.

Bà Năm cắn răng chấp nhận cho Tâm cưới cô Lam. Bà tiếc rằng, từ nay những bà bạn có con gái đến tuổi cặp kê, hết o bế bà , bớt nồng nàn, tử tế như xưa.

5.
 Sau đám cưới, bà Năm xuống nước năn nỉ Tâm khoan dọn ra riêng. Anh con trai không trả lời dứt khoát, và cho biết tùy theo ý kiến của vợ. Bà Năm phải nói thẳng với cô con dâu rằng, nếu các con khoan dọn ra riêng, thì sẽ tiết kiệm được một số tiền, mua nhà sớm hơn, và tốt hơn.
Cô con dâu vui vẻ trả lời rằng, nếu ba mẹ cho chúng con ở chung trong thời gian đầu, thì chúng con mừng lắm, được ba mẹ cho ở, cho ăn, và gia đình sum vầy, thì vui hơn là tách biệt ra. Câu nói của đứa con dâu làm bà mát ruột. Sau thời gian đầu bỡ ngỡ, đứa con dâu dần dần thích nghi với sinh hoạt của gia đình. Ban đầu, bà Năm nghĩ rằng, lại phải hầu hạ thêm một cô nương nữa. Bà không ngại, miễn sao giữ anh con trai cưng của bà lại trong gia đình là được. Mỗi khi cô con dâu tự ý làm giúp cho ông bà việc gì, bà Năm nói nhỏ với chồng:
- Cô dâu nầy, ưa làm màu lắm.
Ông chồng bà trả lời:
- Thà có đứa con dâu làm màu, còn hơn là đứa ngang ngạnh, không coi ai ra gì.

Nhiều buổi sáng rất sớm, bà Năm nghe tiếng thở phì phò, tiếng huỳnh huỵch ngoài phòng khách, bà tưởng hai vợ chồng anh con trai đang làm trò khỉ. Một lần bà hé cửa nhìn xuống lầu, thấy Tâm và Lam đang múa tay, múa chân tập thể dục. Bà lắc đầu. Con trai bà, chưa thấy tập thể dục bao giờ, nay vì vợ mà tập. Bà cho rằng, con trai mà nghe lời vợ quá, cũng không tốt. Bà thử múa tay, uốn éo thân mình theo các cử động của hai người, bà nghe khoái cảm trong bắp thịt, xương cốt, và tiêu tan bớt rất nhiều mỏi mệt.

Không lâu sau đó, nhiều buổi sáng, bà tập thể dục theo con, và cả ông Năm cũng tham gia. Trong phòng khách buổi sáng, theo tiếng hô của Lam, bốn người nhịp nhàng múa tay chân, hít thở trong vòng hai mươi phút trước khi ăn điểm tâm và đi làm việc. Mỗi sáng thứ bảy, chủ nhật, Tâm lái xe ra công viên rất sớm, cùng cha mẹ và vợ, chạy bộ vòng quanh sân cỏ, hít thở không khí trong lành, tập những động tác uyển chuyển.
Sau đó, cùng đi ăn sáng. Bà Năm cảm thấy, nhờ có đứa con dâu mà tình mẹ con của bà gần gũi hơn, sau bao nhiêu năm gần như gián đoạn, kể từ ngày anh bước vào tuổi mười tám, hai mươi.

Hai ông bà Năm trở nên mê cái món cháo gạo lức, nấu đặc rền, ăn với cá nục kho khô, mặn, có tiêu ớt. Ăn vào buổi sáng, do cô con dâu nấu. Ban đầu bà Năm cười cái món ăn nầy của người nhà quê. Nhưng cô dâu nói rằng, đây là món ăn vua chúa, chứ không phải món nhà quê. Sử sách có chép rõ, các ông vua triều Nguyễn rất khoái ăn cháo trắng buổi sáng. Ông bà Năm cũng phải công nhận ăn cháo vừa ngon, vừa tốt cho sức khỏe, bớt được chất béo, chất đường.

6.
 Mỗi buổi chiều, bà Năm về nhà trước con dâu chừng nửa giờ. Bà vào bếp chuẩn bị, cắt rau, cắt thịt. Cô con dâu vất xong cái cặp vào phòng, chạy vội xuống bếp, phụ mẹ chồng sửa soạn cơm tối. Thời gian đầu, cô phụ làm các việt lặt vặt, chỉ làm những chuyện mẹ chồng sai bảo. Cô con dâu phụ bếp, dù không phụ được gì nhiều, nhưng bà Năm thấy vui, tự ái của bà không bị tổn thương. Bà có thể hầu chồng, hầu con, chứ không muốn mang tiếng làm mọi cho cả con dâu. Nhìn thấy cô con dâu vui vẻ, hát hò trong khi làm bếp, bà cũng vui lây. Thì ra, cô làm với tấm lòng, với sự chia xẻ, chứ không phải miễn cưỡng.

Cô con dâu múa dao lia lịa, cắt hành, cắt rau, ớt, nhanh như các anh đầu bếp Tàu chiếu trên truyền hình. Thỉnh thoảng, cô con dâu đề nghị bà Năm nấu món ngon cho cả nhà, ăn chơi cho vui, ăn chơi ngon hơn ăn thật, cô lảnh trách nhiệm nấu các món nầy. Cô nấu phở, bún bò, cháo lòng, hủ tiếu, bánh canh, bún riêu, mỗi chiều ăn một món thay cơm. Cả nhà vui vẻ hơn, ông Năm nói rằng, nấu ở nhà ngon như thế nầy, thì đi tiệm làm gì.

Bà Năm học thêm được những bí quyết nấu ăn của cô dâu, và cộng thêm kinh nghiệm cũ, bà nấu càng ngon hơn. Bà mời bạn bè chồng đến, trổ tài nấu nướng. Nhiều người khen và khuyến khích bà ra mở tiệm ăn. Bà con, bạn bè đòi hùn vốn mở tiệm. Bà Năm sung sướng và quyết định thôi việc, ra làm kinh doanh. Trong một bữa ăn, cô con dâu nói với ông bà:
- Dì Chính bảo rằng, nếu mình ghét ai thậm tệ, muốn trả thù, thì cứ đem tiền cho mượn, xúi họ mở tiệm ăn, cho họ khổ, bỏ ghét. Làm tiệm ăn, khách ít thì lo, khách đông thì khổ, làm một ngày mười sáu, mười tám giờ cũng không hết việc. Nắng cũng lo, mưa cũng lo. Cực lắm, đầu bếp cũng cực, phụ bếp cũng cực, chủ tiệm còn cực hơn. Dì Thu bạn của mẹ con mở tiệm phở, bị ông đầu bếp bóp cổ, phải kêu cảnh sát can thiệp. Ông đầu bếp mệt và cực quá, mà Dì thì quá lo lắng, thúc hối, hỏi han. Ông nổi khùng, bóp cổ Dì. Bố mẹ con, lỡ mở tiệm, không lui được nữa, cực lắm lắm, ông bà mệt quá, gây gỗ nhau hoài. Nếu mẹ muốn mở tiệm ăn, thì hãy suy nghĩ cho kỹ lại. Ít nhất cũng giả vờ đi làm công cho thiên hạ, phụ bếp hoặc làm đầu bếp vài ba tháng cho biết đá biết vàng. Rồi quyết định.
Nghe con dâu nói bà hoảng hồn. Không dám ra làm kinh doanh nữa.

7.
 Nhiều hôm, cô con dâu hớt hải chạy về kêu bà Năm thay áo quần ra xe đi gấp, ra phố mua hàng với cô. Vì hàng hạ giá, chỉ còn một hôm nữa là hết hạn. Cô ríu rít khoe rằng có người mách cho biết, hàng hạ xuống trên bảy mươi lăm phần trăm, không mua uổng lắm.
Bà vui vẻ ngồi bên đứa con dâu, cô vừa lái xe vun vút trên xa lộ, vừa nói chuyện vui vẻ. Khi vào tiệm, cô ép bà thử áo nầy, thử váy kia, tíu tít. Rồi cô con dâu dành trả tiền mua áo quần cho mẹ chồng. Để bà khỏi thắc mắc, cô nói:

- Tiền nầy do anh Tâm làm ra, mẹ có quyến xài. Anh Tâm sẽ rất vui, khi biết mẹ dùng tiền nầy.
Sau đó, hai mẹ con rủ nhau đi ăn, ngồi nói chuyện trong quán, và mua thức ăn về cho cả nhà.
Có lần bà Năm giận ông chồng, ngồi khóc. Cô con dâu đến ôm bà, vuốt ve và hôn lên trán bà mà an ủi. Cô kéo bà đứng dậy, đi rủ bà lên San Francisco chơi.

Hai mẹ con đi bộ long rong qua chợ Tàu. Khi đã mỏi chân, cô con dâu cùng bà vào quán cà phê, ngồi ở dãy bàn dọn lấn ra trên lề đường cùng uống trà, ăn kem. Ngồi nhìn thiên hạ qua lại, cô con dâu nói với bà:
- Ngồi đây, đôi khi cũng thấy tâm hồn thư giản. Nhìn cái tất bật của thiên hạ, thấy cái nhàn nhã của mình, rồi biết quý cái hạnh phúc đơn sơ mà mình đang có.
Bà Năm cũng thấy vui vui, và quên bớt đi cái giận hờn ông chồng. Cô dâu nói với bà:
- Trời có khi nắng khi mưa, vợ chồng có khi vui khi buồn. Rồi mọi sự đều qua. Khi nào buồn, con đem mẹ đi chơi, giải trí. Hôm nào hai mẹ con mình rủ nhau đi xem chớp bóng, khuya mới về, để cho các ông ở nhà chờ, và đói một bửa chơi. Như vậy, các ông mới biết quý cái không khí ấm áp của bữa cơm bình thường mỗi ngày trong gia đình.

 Mỗi buổi sáng, ông Năm đều nhắc rằng, nhờ có cái máy cà phê áp suất do cô con dâu mua tặng, nên ông có cà phê ngon mà uống. Đến sở khỏi phải tốn tiền mua cà phê áp suất bên góc đường. Nhiều hôm cô con dâu mua thức ăn ngon bên ngoài đem về. Ríu rít nói là cô ăn ngon quá, mua về cho cả nhà ăn cho vui. Không cần ăn ngon hay dở, nghe thế là bà Năm đã cảm động. Xưa nay, con bà, chồng bà, chưa hề thấy ngon mà mua về cho bà.

Sau một thời gian ở chung với cô con dâu, đi đâu, bà Năm cũng khoe là bà có thêm một đứa con gái, có thêm một người bạn thân để tâm sự khi vui buồn. Bà nói thêm, từ ngày anh con trai có vợ, gia đình thấy vui vẻ, hạnh phúc và thương yêu nhau hơn. Bà khen anh con trai khôn ngoan và khéo chọn bạn trăm năm. Bà không còn chê cô dâu là trán ngắn, mắt hí, miệng móm nữa.

8.
 Một hôm đã khuya, bà Năm thức giấc xuống lầu uống nước, thấy có bóng người thấp thoáng ở sân sau nhà, bà ghé mắt nhìn. Trăng vằng vặc trải ánh vàng xuống khắp vườn. Bà thấy Tâm quàng tay qua vai vợ ngồi tựa ngữa, chân gác lên ghế. Bà nghe tiếng thì thầm:

- Đôi khi thấy mẹ anh thương, và bênh em, làm anh phát ghen lên. Em làm gì mà mê hoặc được mẹ anh đến thế?

Tiếng cô con dâu trong trẻo đáp lại:
 - Thương yêu và thông cảm. Đem hết tấm lòng mình ra mà đãi người, rồi sẽ được đáp lại bằng tấm lòng. Nhờ em biết thương yêu ba mẹ anh như ba mẹ ruột, thì ông bà mới thương yêu em như con ruột. Em có thêm một ông bố, một bà mẹ, một cô em, có thêm nhiều tình thương. Từ đó, vợ chồng mình hòa thuận hơn, thương yêu nhau hơn, và lâu bền hơn, hạnh phúc hơn.

Bà Năm len lén trở lại phòng, chíp miệng và nghĩ rằng, bà đã già một đời mà còn ngu dại, cứ ganh ghét với gia đình chồng, ganh ghét với con dâu. Bọn trẻ con ngày nay, có nhiều đứa khôn nứt hạt.


Tràm Cà Mau

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

Vì sao đàn ông thích về Việt Nam lấy vợ?

https://tintuchangngay4.wordpress.com/2011/09/13/vi-sao-dan-ong-thich-v%e1%bb%81-vi%e1%bb%87t-nam-l%e1%ba%a5y-v%e1%bb%a3/



“Không phải ở Mỹ tôi không làm quen được bạn gái ở Mỹ mà là vì tôi sợ họ,” Thịnh Phạm, ngoài 30 tuổi, kỹ sư tin học, đang làm IT cho hệ thống ngân hàng Well Fargo tại Irvine, bắt đầu câu chuyện.

“Ðiều gì khiến anh sợ?” Phóng viên Người Việt hỏi.
“Sợ tính tình, sợ tính đi shopping và sợ cả suy nghĩ của họ về vai trò làm vợ, làm mẹ,” Thịnh cười cho biết.
Chính vì “nỗi sợ” này mà Thịnh Phạm đã phải nhờ người mai mốt và trở về Việt Nam tìm kiếm “một nửa của mình.”

Thịnh Phạm chỉ là một trong số hàng ngàn người đàn ông Việt Nam đang sống tại Mỹ trở về quê nhà để cưới vợ mỗi năm. Và lý do của Thịnh cũng chỉ là một trong số nhiều lý do để có sự xuất hiện ngày càng nhiều của những những cô dâu từ bên kia đại dương hiện diện tại Hoa Kỳ.

Theo số liệu của Bộ Nội An, trong năm 2010, có tới tổng cộng 2,981 visa được cấp cho người đi theo diện bảo lãnh vợ chồng, cả hai dạng có điều kiện (CR-1) và không điều kiện (IR-1). Số gần 3,000 visa vợ chồng này chiếm tới 15% trong tổng số 20,518 visa cho người Việt Nam qua Mỹ định cư theo diện bảo lãnh gia đình.

Tại sao lại có hàng ngàn hàng ngàn người phải lội ngược nửa vòng trái đất để tìm kiếm một nửa của mình, cho dù điều đó có thể quá phiêu lưu?

Thịnh Phạm, kỹ sư tin học, đang làm IT cho hệ thống ngân hàng Well Fargo tại Irvine, Tuấn Phan, cư dân thành phố Anaheim, đang làm kỹ sư điện toán cho hãng IBM, Lâm Nguyễn, cư dân Garden Grove, làm nghề buôn bán nhà, Minh Lý, làm công việc quét dọn cho một công ty ở Santa Ana, là những người có kinh nghiệm trong chuyện về Việt Nam cưới vợ, và họ kể cho báo Người Việt nghe lý do.

Cưới vợ ở Việt Nam vì sợ con gái ở Mỹ
Thịnh Phạm kể, anh đã làm quen với nhiều cô bạn gái Việt Nam tại Mỹ, “có cô lớn lên ở đây, có cô mới sang 5, 6 năm, học hành thì chưa thấy đến đâu mà hội nhập ăn chơi thì rất lẹ.”

Sang Mỹ khi vừa học xong trung học, Thịnh Phạm cho rằng ít nhiều anh “vẫn bị ảnh hưởng tư tưởng gia đình truyền thống Việt Nam, tuy không cố chấp, cổ hủ kiểu người Việt Nam.” Anh nghĩ “khi quen làm bạn gái thì vui vẻ, ok, nhưng khi đã là vợ chồng thì vợ phải sanh con, cùng chồng chăm sóc gia đình.”

Tuy nhiên, những người bạn gái Thịnh từng quen biết đều có những điều kiện đưa ra khi họ quyết định đám cưới. Người thì “không thích nấu cơm, chỉ muốn đi ăn ngoài.” Người thì “không thích có con.” Người lại nêu thẳng suy nghĩ  “ở đây thứ nhất đàn bà, thứ hai con nít, thứ ba là chó, còn đàn ông sau cùng.”
“Vậy tôi cưới vợ về để làm gì?” Người kỹ sư IT này tự hỏi.

Chuyện e ngại tính tình, cách suy nghĩ của nhiều cô gái tại Mỹ cũng là điều khiến Tuấn Phan, cư dân thành phố Anaheim, đang làm kỹ sư điện toán cho hãng IBM, quyết định về Việt Nam cưới vợ sau nhiều cuộc hò hẹn không thành tại Hoa Kỳ.

Tuấn dè dặt trước khi kể chuyện bản thân mình, “Ðương nhiên ở đâu cũng có người vầy người khác. Ở Mỹ cũng có rất nhiều cô gái tốt, biết điều, nhưng có lẽ vì tôi không may mắn để gặp được họ.”

“Nửa vời, nửa nạc nửa mỡ” là điều Tuấn Phan nhận xét về những cô gái Việt ở Mỹ mà anh chàng kỹ sư này từng quen biết.

Tuấn nói trong sự ngán ngẩm, “Nhiều cô sang đây, học theo tư tưởng ‘độc lập, tự do’ của Mỹ, nhưng lại hiểu một cách lệch lạc, như hễ có chuyện gì hai người chưa đồng ý với nhau thì cứ nói ‘tôi là như vậy, tôi không phụ thuộc anh, anh thích không thích thì thôi.’ Các cô quên rằng cho dù là tự do ở Mỹ đến mức nào cũng cần có sự hiểu biết và thông cảm lẫn nhau. Ðiều gì mình chưa hòa hợp thì tìm cách giải quyết, chứ đâu mà cứ lúc nào cũng sẵn sàng vùng lên như đi đánh giặc vậy.”

Cả hai người này đều cùng có đánh giá, “Nhiều cô mới lớn tính tình ích kỷ lắm. Họ muốn đàn bà cái gì cũng phải là nhất, đòi hỏi nhiều, kiểu chỉ biết nhận chứ chẳng hề biết cho đi, taker chứ không bao giờ là giver. Các cô muốn mình là nhất, nhưng có bao giờ tự hỏi mình đã làm được gì cho người yêu, cho chồng để mà đòi hỏi những điều như vậy chưa?”

Với những lý do như vậy, Thịnh Phạm quyết định “về Việt Nam kiếm cô nào tính tình còn Việt Nam thì cưới, cho hợp với mình.” Tuấn Phan cũng nhìn nhận chuyện anh về Việt Nam cưới vợ là “một quyết định sáng suốt.”

Cưới vợ ở Việt Nam vì bị “trúng gió”
Trong khi Thịnh Phạm hay Tuấn Phan vì “sợ các cô ở Mỹ” mà quyết định về Việt Nam tìm “bạn trăm năm,” thì Lâm Nguyễn, ngoài 50, đang làm nghề kinh doanh địa ốc, cho rằng mình cưới vợ vì “bị trúng gió.”

Lâm Nguyễn cho biết ông không hề có ý định về Việt Nam cưới vợ, “tôi về Việt Nam vì tôi có business bên đó.” Trước khi về Việt Nam, ông Lâm đang có một người vợ thứ hai ở Mỹ, sau khi đã ly dị người vợ đầu.
Tuy nhiên, “Việt Nam là ‘ Disneyland for men.’ Anh nào lần đầu về Việt Nam chơi mà không ‘tớn lên’?” Ông Lâm Nguyễn nói một cách chậm rãi, như thể vừa nói vừa nghiền ngẫm điều mình nói ra là chân lý.

Theo ông Lâm, “người đàn ông nào đang ở Mỹ gặp phải những áp lực về công việc, gia đình đổ vỡ thì Việt Nam là phương thuốc chữa stress hiệu nghiệm nhất.”

Mặc dù không hề mảy may nghĩ đến chuyện cưới vợ ở Việt Nam vì đã nhìn thấy nhiều cuộc hôn đổ vỡ của bạn bè, người quen, thế mà sau những cuộc “ăn chơi, gái gú,” ông Lâm “đã bị trúng gió nặng.” Kết quả là ông này một lần nữa ly dị người vợ ở Mỹ để có thể chính thức cưới một cô gái ông quen tại Việt Nam.

“Tôi vẫn chưa hiểu tại sao các ông về Việt Nam thì lại ‘trúng gió’ mà điều đó lại không xảy ra ngay tại Mỹ hay những nước khác?” phóng viên Người Việt hỏi.

“Có gì đâu là khó hiểu,” ông Lâm nói một cách điềm nhiên. “Chuyện rất đơn giản là người mình nói tiếng mình, nói ra cái gì hiểu liền cái đó. Các cô gái Việt Nam mà đàn ông tìm thấy trong vũ trường, quán bar, karaoke cô nào cũng đẹp, cũng nhỏ nhẹ, dễ thương.”

“Và như một nghề nghiệp thôi, họ đã sống bằng nghề ăn chơi thì họ phải professional trong nghề ăn chơi. Vậy thôi.” Ông Lâm nói thêm.

Thịnh Phạm cũng đồng ý với ông Lâm Nguyễn rằng “Việt Nam là Disneyland for men.”
“Ðàn ông ai cũng có máu dê nhưng chừng mực và đến mức nào là tùy người.” Thịnh nói. “Ở đây, một vụ ‘sex’ từ $500 đến $1,000, trong khi ở Việt Nam thì quá rẻ. Xã hội Việt Nam hiện nay lại dường như cũng khuyến khích điều đó nên chuyện nhiều người dễ rơi vào tay các cô hay mê mệt các cô gái đó cũng là chuyện bình thường.” Thịnh Phạm tiếp tục.

Cưới vợ Việt Nam vì không có điều kiện cưới vợ ở Mỹ
Khác những người đàn ông nói trên, ông Minh Lý, nhân viên của một công ty quét dọn ở Santa Ana, về Việt Nam cưới vợ vì “không có cơ hội cưới vợ ở Mỹ.”

Người đàn ông này đã gần 50, sống cùng mẹ. “Tôi đi làm ca đêm, sáng ra về nhà chỉ có lăn ra ngủ, chẳng có mấy bạn bè để chơi bời, cũng ít tiếp xúc với ai.” Ông Minh thổ lộ.

“Tôi sang Mỹ khi tuổi đã lớn nên tôi phải đi làm như trâu với đồng lương tối thiểu. Không có người phụ nữ nào muốn lấy một người như tôi. Lương tôi chỉ vừa đủ cho tôi sống, làm sao tôi có thể chu cấp thêm cho một phụ nữ quen sống ở Mỹ?” Người đàn ông nói tiếp.

Theo lời ông, nếu ông cưới vợ ở Mỹ, người phụ nữ đó cũng sẽ chẳng thấy thích thú gì với công việc làm của ông. “Nếu một người phụ nữ đã không tôn trọng công việc mình làm thì cô ta cũng sẽ không tôn trọng mình. Vậy thì cưới vợ làm gì khi không có sự tôn trọng trong đó?” Ông Mình nhìn tôi hỏi.

Vậy là chỉ còn cách nhờ người thân ở Việt Nam mai mối cho ông một cô làm nghề cắt tóc ở Vĩnh Long.
Sau nhiều lần nói chuyện qua điện thoại, ông Minh cùng mẹ ông thu xếp trở về Việt Nam tính chuyện cưới hỏi. Ðương nhiên, ông không nói thẳng cho vợ ông biết công việc ông đang làm là gì, chỉ nói “đi làm hãng.”
“Hiện giờ vợ tôi đã có bầu, còn đang ở Vĩnh Long, tôi đang lo thủ tục bảo lãnh cổ sang đây.” Ông Minh Lý cho biết.

Ông Cường Nguyễn cũng vì không thể tìm được ý trung nhân tại Mỹ, phải nhờ họ hàng ở Việt Nam mai mốt giúp.

Cường cho biết ông từng làm qua nhiều nghề, “hết nhà hàng, làm chợ, rồi cố gắng học hành chút đỉnh, hiện giờ thì đang làm việc cho chính phủ với mức lương vừa đủ sống.” Sau vài cuộc tình không thành ở Mỹ, ông được bà con giới thiệu cho một cô làm thợ may công nghiệp ở Ðồng Nai. Việc cưới hỏi của ông Cường diễn ra khá chóng vánh. Hiện tại, vợ ông cũng đã sang Mỹ hơn một năm, đang chờ đến ngày sanh nở.


Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

Những ảo tưởng về hôn nhân

http://dantri.com.vn/c130/s130-515399/phu-nu-va-5-ao-tuong-ve-hon-nhan.htm



1. Kết hôn là điều có lợi cho đàn ông: Thực tế thì trong nhiều năm gần đây, các nghiên cứu, khảo sát đã cho thấy rằng hôn nhân là việc “đôi bên cùng có lợi”.
Khi kết hôn, đàn ông sẽ mạnh khỏe hơn do được vợ chăm sóc chu đáo và cẩn thận. Còn phụ nữ sẽ cảm thấy thoải mái vì được chăm sóc chồng con và hơn hết là họ có thêm một người nữa chia sẻ nỗi lo cơm áo gạo tiền. 


2. Có con là cách tốt nhất để giữ chồng

Có con chưa chắc đã là cách giữ chồng tốt nhất. Đây là điều các chuyên gia tâm lý hôn nhân cho biết sau khi tiến hành khảo sát trên hơn 100 cặp vợ chồng. 

Cũng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc có con mang lại nhiều áp lực hơn trong hôn nhân bởi cả hai đều chưa sẵn sàng cho việc chào đón thêm một thành viên mới trong gia đình. Sự lúng túng dẫn đến cáu gắt và đôi bên chỉ trích lẫn nhau là mầm mống dẫn đén những bất hòa. Chính vì vậy, nếu không biết cách điều tiết cảm xúc thì có con cũng chưa hẳn là cách tốt nhất để giữ chồng.

Tuy nhiên, không ai phủ nhận rằng, tỷ lệ ly hôn của những cặp vợ chồng đã có con thường thấp hơn so với những cặp vợ chồng chưa có con. Con cái chính là sợi dây gắn kết vô hình khiến cho cả hai bên đều phải suy nghĩ và đặt quyền lợi của con cái lên trên hết trước khi quyết định bất cứ một việc gì.

3. Phụ nữ học cao khó kết hôn

Đây là một kết luận hoàn toàn thiếu chính xác. Phụ nữ có trình độ học vấn cao thường rất thông minh, bởi vậy, tiêu chuẩn họ đặt ra cho người đàn ông của đời mình cũng khắt khe hơn một chút.

Hơn nữa, đa số những phụ nữ đầu tư cho việc học và sự nghiệp thường có suy nghĩ “hiện đại hơn” là không cần phải lấy chồng quá sớm. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến họ kết hôn muộn chứ không phải khó kết hôn.

4. Sống thử mới biết có hợp không

Thực tế, các cặp vợ chồng chấp nhận sống thử rồi mới kết hôn thường có tỷ lệ xảy ra mâu thuẫn cao hơn so với những cặp vợ chồng khác. Lý giải cho điều này, các chuyên gia cho rằng, việc sống thử trước khi kết hôn sẽ khiến cho cả hai bên đều cảm thấy việc tổ chức hôn lễ là điều không cần thiết. Trong suy nghĩ của họ, hôn nhân chỉ còn là thủ tục, vì thế, người phụ nữ cảm thấy bị coi thường, bị xuống giá thảm hại sau khi kết hôn.

5. Không nên kết hôn duy nhất 1 lần

Đến nay không ít phụ nữ thành đạt có suy nghĩ như vậy. Họ cho rằng, cuộc sống ngày càng phát triển và tư tưởng của mọi người cũng không bị bó hẹp trong những suy nghĩ truyền thống về hôn nhân. Hơn nữa, tuổi thọ của con người đang ngày càng kéo dài, chính vì vậy, chẳng có lý do gì để miễn cưỡng bản thân chỉ được kết hôn một lần.

Thực tế, khi cảm thấy đời sống vợ chồng không còn hòa hợp và hai bên cùng không thể hợp tác để cải thiện tình hình thì chia tay là cách tốt nhất. Tuy nhiên, vội vàng kết hôn ngay sau khi ly hôn vì tâm lý tận hưởng cuộc sống lại chính là một sai lầm.

.