Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

chuyện tình của anh chàng 'bám váy' mẹ

.

Cao ráo, đẹp trai, có học thức, gia đình lại có điều kiện, ngỡ tưởng Huy sẽ là chàng trai trong mơ của nhiều cô gái, thế nhưng khi tuổi đã "băm" mà anh vẫn "chưa mảnh tình vắt vai"...

So với bạn bè cùng trang lứa, Huy nổi bật bởi ngoại hình hoàn hảo với chiều cao 1m75, nước da trắng trẻo, khuôn mặt đẹp trai. Anh lại là thạc sỹ du học châu Âu, gia đình cũng thuộc loại khá giả nhưng đến giờ, gần 30 tuổi anh vẫn chưa mảnh tình vắt vai và bị xếp vào “hàng ế”.

Huy cũng đem lòng yêu một vài cô gái, những cô gái Huy thầm thương trộm nhớ đều xinh đẹp, giỏi giang và hơn cả là vừa ý mẹ anh. Thế nhưng tình cảm của Huy thường chỉ là tình cảm đơn phương, hoặc nếu có ai đáp lại thì cũng chỉ dừng ở mức cảm mến chứ không ai dám tiến quá sâu.

Người ngoài nhìn vào không khỏi ngạc nhiên, thế nhưng, với những người quen thân với Huy thì chẳng có gì lạ. Thậm chí, mấy người độc miệng còn tuyên bố, "có con bé nào vô phúc mới lấy thằng Huy". Tất cả cũng bởi bà mẹ "Võ Tắc Thiên" của Huy và bản tính "bám váy mẹ" của anh chàng.

Mọi việc lớn bé anh đều nhất nhất nghe lời của mẹ. Mẹ là người quyết định và chọn lựa cho anh mọi thứ, từ việc anh mặc đồ gì, đi xe gì, đi chơi mấy giờ về, thậm chí cả việc nên yêu ai và được ai yêu. Có lẽ bị phụ thuộc vào mẹ quá lâu nên sau bốn năm đi du học xứ người, anh vẫn không thể thoát ra khỏi cái bóng quá lớn của bà. Trước khi Huy lên đường đi du học, mẹ anh đã dặn không được yêu đương mà chỉ được tập trung vào việc học, khi nào về nước, mẹ anh sẽ chọn cho anh một cô ưng ý. Huy làm đúng những gì mẹ anh muốn. Anh luôn đứng đầu lớp và còn nhận được bằng khen của Đại sứ quán vì có thành tích học tập xuất sắc.

Mẹ anh cũng giữ đúng lời hứa, giới thiệu cho anh Thu Ngân, là con gái của đồng nghiệp làm cũng cơ quan đồng thời cũng là hoa khôi của một trường đại học có tiếng. Biết tiếng Ngân xinh đẹp, giỏi giang, mẹ Huy đã tìm cách để con trai mình có cơ hội làm quen. Ban đầu Huy làm theo lời mẹ tình nguyện đến dạy ngoại ngữ cho Ngân. Anh nhanh chóng có cảm tình với cô. Rồi sau đó anh rủ cô đi chơi. Những lần đi chơi với Huy, Ngân để ý cứ khoảng 30 phút mẹ của Huy lại gọi điện cho anh để hỏi xem anh đang ở đâu, đang làm gì và bảo anh về nhà sớm.

Hôm nào Huy và Ngân đi chơi đâu đó xa hoặc bị tắc đường về muộn hơn mọi khi một chút là mẹ của Huy lại gọi điện liên tục để giục anh về. Nhiều lúc ngồi sau Ngân cũng cảm thấy rấy khó chịu. Cô thầm nghĩ mình là con gái mà bố mẹ chưa gọi điện giục về thì thôi, vậy mà Huy là con trai nhưng mẹ anh lại quan tâm thái quá giống như một đứa trẻ con vậy. Ngân có hỏi thì Huy chỉ gãi đầu thỏ thẻ: “Mẹ sợ anh mới về nước chưa quen với giao thông ở Việt Nam nên hỏi xem đi đường thế nào”.

Ngân nhớ có lần đến nhà Huy chơi, cô tỏ ý muốn giúp Huy rửa bát đĩa nhưng anh bảo: “Em không biết úp bát đúng vị trí, về mẹ anh sẽ không hài lòng”. Sau đó Ngân còn phải ngồi đợi Huy lau nhà sạch sẽ rồi mới được đi chơi với cô.
Chưa hết, nếu hai người có đi ăn uống ở đâu thì Huy cũng thường ăn rất cầm chừng, bởi vì mẹ anh vẫn phần cơm ở nhà, nên anh muốn để bụng còn ăn cơm mẹ nấu.

Những chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt như vậy đã khiến Ngân dần mất cảm tình với Huy. Cô không muốn hẹn hò với một anh chàng chỉ thích làm theo lời mẹ. Ngay đến việc đi chơi cũng không tự chủ được giờ giấc, rồi ăn uống không thoải mái. Đấy là chưa kể nhiều lần cô mua đồ tặng cho Huy như quần áo, giày dép nhưng không thấy Huy dùng. Hỏi ra mới biết mọi đồ dùng cuả Huy đều do mẹ anh lựa chọn nên bà không đồng ý cho anh dùng đồ tặng vì không giống với loại mình mua. Mối tình chưa kịp thành đã nhanh chóng tan như bong bóng xà phòng.



Ngay cả quần áo, giày dép, thậm chí cả bàn chải đánh răng cũng do một tay mẹ lựa chọn cho Huy. Ảnh minh họa.

Cô gái tiếp theo mà Huy yêu cũng là một cô gái xinh xắn và giỏi giang không kém tên là Ngọc Bích. Vì mẹ Huy chưa biết Ngọc Bích nên trước khi “tán”, Huy phải mang ảnh của cô về cho mẹ xem rồi tìm hiểu về gia thế của cô. Khi mẹ đồng ý rồi, anh mới nghĩ đến chuyện yêu đương.

Có lợi thế làm cùng cơ quan nên thỉnh thoảng Huy vẫn đến đưa đón Bích đi làm. Thế nhưng cũng chính từ việc đó mà Huy mất điểm trong mắt Bích. Bạn bè Bích thường chê cách ăn mặc của Huy lạc hậu và không phù hợp với một cô gái xinh đẹp và hợp thời trang như cô.

Không ít lần cô thấy xấu hổ vì bạn bè chê bai cách ăn mặc của Huy. Cô bạn thân của Bích chê thẳng thắn: “Con trai mà lại đeo khẩu trang màu hồng, quần áo như đồ của bố mình vậy”. Bích có góp ý về cách ăn mặc của Huy thì anh bảo: “Quần áo của anh là do mẹ chọn, dù biết không hợp với tuổi lắm nhưng anh vẫn mặc vì sợ mẹ buồn”. Huy còn kể mẹ anh thích được tự tay sắm đồ cho con, nên hầu hết mọi đồ từ quần áo, giày dép đến những thứ nhỏ nhặt như tất hay bàn chải đánh răng cũng do mẹ anh mua.

Bích còn phát hiện ra thêm nhiều điều "thú vị" về Huy như một tuần anh phải có ít nhất bốn buổi tối ăn cơm ở nhà, nếu Huy đi ăn ở ngoài với bạn bè thì sau đó về vẫn phải ăn cơm mẹ phần vì bà sợ anh đói. Nếu anh có uống bia hay uống rượu với bạn bè thì trước khi về nhà, Huy thường nhai kẹo cao su hoặc ngậm một lát chanh mỏng để bớt mùi hôi hoặc nếu mẹ có kiểm tra thì cũng chỉ nghĩ anh uống ít.

Anh kể, cũng có một vài lần anh quá chén, sau những lần ấy mẹ anh cấm đi uống bia rượu mất một tháng. Nếu Huy có lấy lý do vì công việc cần phải tiếp khách thì mẹ anh lại lấy lý do là bị mệt và muốn anh ở nhà chăm sóc. Không chỉ Bích mà ngay cả bạn bè của cô cũng nhận thấy Huy là một anh chàng “bám váy mẹ”.

Bạn bè Bích có người còn thẳng thắn: “Mẫu người này ở nhà thì bám váy mẹ, đến khi lập gia đình thì chuyển sang bám váy vợ”. Chẳng phải đợi đến khi nghe được những lời chế giễu ấy, Bích đã quyết định chấm dứt mối tình mới chớm nở với Huy. Huy cố níu kéo nhưng ngay cả khi anh giữ cô lại, Bích biết đó cũng là vì mẹ anh muốn như vậy.

Người ta vẫn thường nói, một người phụ nữ thông minh sẽ chọn cho mình một người đàn ông để làm chỗ dựa, chứ không bao giờ chọn một người đàn ông để mình làm mẹ, lại càng không bao giờ chọn người đàn ông chỉ biết "mẹ anh bảo...". Nói như vậy không có nghĩa một người đàn ông nghe lời mẹ là xấu, nhưng khi anh ta bị thụ động và không có chính kiến của mình thì sẽ khó lòng có thể trở thành một bờ vai vững chắc cho người bạn đời của mình.

HẢI YẾN

Theo Infonet

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

Một chuyện tình

http://laothayboigia.multiply.com/journal?&=&page_start=100

Một dạo y thuê xưởng vẽ ở khu Thành Công, vốn chỗ đấy trước là bãi rác của thành phố nằm dọc đoạn sông Tô Lịch tù hãm. Ở đây, y gặp U Mẳn. U đẹp lão, tính hay chửi, hay cười. Nhìn chung là người dễ chơi.

U Mẳn ngoài bẩy mươi, buổi trưa nhà u bán cơm bụi, chiều bán nước. Ở cái loại hình dịch vụ đậm chất hè phố này, được gọi "u" cũng là sự khẳng định tính chuyên nghiệp. Y thường ăn cơm hàng u. Nhiều bữa ghi sổ, cũng vô tư.

Chồng mất đã ngoài năm năm, u vẫn ở vậy, quyết thủ tiết. Y nịnh u: "Đời nay ong ve cám dỗ nhiều, còn ngon nghẻ như u mà có cái đức chính chuyên là quí lắm!". U bảo: "Tổ cha mày, tao xây nhà sáu tấm, rồi lấy chồng khác luôn!"

U Mẳn có cô cháu gái xinh, ngoài đôi mươi, vẫn phụ u bán cơm. Mắt em dài, làn môi mảnh mọng. Y nói với em "Cái môi này là chúa nhẹ dạ!". Em cười, mắt nhóng nhánh, say say, em bảo: "Kệ!". Y ỡm ờ: "Nhưng ai ăn son trên môi này thì lại ngọt". Đuôi mắt em thoắt quăng vào y. Em cong môi bảo: "Điêu". Ôi! Cái miệng em duyên tệ! Thoáng phải lòng sao yêu yêu...!!!

Y ăn cơm đĩa. Cứ mỗi miếng, y lại thổm miệng về phía em đớp đớp. Y bảo: "Cắn tí hình ảnh em, là cho thêm mì chính, tí ớt". Em kéo mắt lại phía y. Đuôi mắt em và y ngoắc cứng. Cộc ngón tay vào trán y, em bảo: "Ghét cái miệng họa sỹ tẩm đường!". Y hỏi: "Nhà em đang giã cua à?". Em ngơ ngác: "Đâu!". Y nói: "Rõ là có tiếng thình thịch!". Em cãi: "Tiếng đâu mà tiếng?". Y chợt ôm ngực, bảo: "Ồ nhầm! Được em gõ đầu, nên tim anh nó đập như loa thùng, anh tưởng...!". Em che miệng cười. Đuôi mắt dài thêm, đan vào đuôi mắt y như lưới.

U Mẳn ngồi nghe. U cười. Cái mẩu tình nhỏ vụn trong veo veo...

Một ngày, gặp em, y chìa tờ đơn, y bảo "Em kí nhé". Em ngước mắt hỏi: "Kí gì cơ?". Y bẽn lẽn: "Đọc thì biết!". Em mở, em xem:


Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐƠN XIN ĐƯỢC YÊU

Kính gửi em!

Tên anh là Nguyên. Làm nghề bôi mầu.

Sau một thời gian rình rập đeo bám, khi chủng chẳng, khi quyết liệt, anh viết lá đơn này để bày tỏ tình yêu đối với em...

Giấy ngắn tình dài, bút cùn mực cạn, tả sao xiết nỗi!

Mà em nhận lời thì kí vào đây cho một chữ, coi như cái tình mình được văn bản hóa. Kính mong!".

Em cười, vẩy vẩy đánh y. Mắt em thíp thịp, mọc hàng trăm cái đuôi.




Trời ơi! Lòng đàn bà giả dối khôn lường. Đành rằng hôm ấy em không sẵn bút để kí, nhưng em cũng dí cái ngón tay dính mỡ gà điểm chỉ vào đơn! Thế mà hóa em đã thủ sẵn từ trước một kẻ để lấy làm chồng. Kẻ đấy lại không phải là y!

Em sang sông...

Y thẫn thờ, nhìn dòng Tô Lịch bé như con mương tù. Nếu không vì cái biển "Cấm đổ rác", có lẽ y đã nhẩy tòm xuống, cho đời biết mối tình y oanh oanh liệt liệt.

Người mộng xa. Em theo chồng, em có nhớ...




Ngẩn ngơ. Rồi đột nhiên y thấy cay cú. Y hận em. Mà không hận làm sao được. Em đã nhận lời yêu y. Có giấy trắng mực đen làm chứng.

Không! Quyết vụ này phải làm ra nhẽ. Gáo hay muôi thì cũng cần rõ ràng. Y lục lá đơn mang đến hàng u Mẳn.

Gặp u, giọng y sẵng: "U! Bắt đền!".

U hỏi: "Đến gì?"

Y chìa lá đơn xin yêu còn lưu vết điểm chỉ mỡ gà, y nói: "Cháu gái u lừa của con cục tình!"

U bảo: "Có mà có cái mặt mày, tao phải gả cháu tao đi cho sớm ý!"

Y xấn xổ: "Kệ! Thằng này không biết. U có bắt đền không thì nói!"

U cười, rõ cái kiểu cười trừ, cười cho qua chuyện. U đưa y chén nước: "Thằng dở hơi! Đền đấy, uống đi!"

Đời nào y chịu. Dễ mà bỏ qua! Y bảo: "Không uống! Đền tình cơ!"

Đoạn, y tóm chịt tay u Mẳn đang chìa chén nước. Rồi nói nhanh, nói dài, nói say đắm:

"Mẳn em... à mà quên! Mẳn u! Hôm nay con chính thức ngỏ lời yêu u. Con muốn cùng u tính chuyện trăm năm, nên duyên cầm sắt!...Đời kiếp này con xin nguyện cùng u son sắt, má áp vai kề, chia ngọt xẻ bùi, chia củ hành, chia củ tỏi..."

Đáp lại lời y, u cười nhằng nhặc. U chửi: "Tổ cha mày!".

Rồi u ho...

Y hiểu lắm, ho là cái thẹn của ái tình!!!